• Đường dây nóng: 0989 190 171

Thông tin nội bộ


Liên kết web














GIỚI THIỆU VỀ TRUNG TÂM TGPL, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Ngày đăng: 15/05/2018

Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 58/2000/QĐ-UB ngày 20/10/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên. Ngày 28/8/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND về việc đổi tên và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Trung tâm. Ngày 08/7/2008 Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 1344/QĐ-UBND về việc thành lập chi nhánh Trợ giúp pháp lý trực thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2018 về việc xếp hạng Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp;

Theo Quyết định số 570/2015/QĐ-UBND ngày 03/3/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hưng Yên có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:

1. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hưng Yên (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

2. Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

3. Xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hằng năm trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

3.1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Cử người tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 27 của Luật trợ giúp pháp lý;

b) Thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 34, 35, 36, 37 của Luật Trợ giúp pháp lý; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân trên địa bàn tỉnh;

c) Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;

d) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là cộng tác viên) của Trung tâm và Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh;

e) Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và Chi nhánh theo thẩm quyền; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.

4. Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh.

6. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

7. Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.

8. Thực hiện sơ kết, tổng kết chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh với Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Cục Trợ giúp pháp lý về trợ giúp pháp lý.

9. Quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

10. Đề xuất việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý.

11. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tư pháp giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.

Về Cơ cấu tổ chức của Trung tâm TGPL:

Trung tâm có 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng pháp luật Hình sự - Hành chính, Phòng pháp luật Dân sự - Đất đai và Phòng pháp luật Lao động - Chính sách xã hội và 03 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm.

- Phòng Hành chính - Tổng hợp: Thực hiện nhiệm vụ hành chính, tổng hợp, báo cáo, thống kê, văn thư, lưu trữ hồ sơ, sổ sách giấy tờ, tài liệu, thi đua khen thưởng,  tài chính - kế toán và các nhiệm vụ  khác phục vụ hoạt động của Trung tâm.

- Phòng pháp luật Hình sự - Hành chính: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính và các lĩnh vực có liên quan;

- Phòng Pháp luật Dân sự - Đất đai: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về trẻ em, pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và các lĩnh vực có liên quan;

- Phòng pháp luật Lao động - Chính sách xã hội: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách ưu đãi xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

- Các Chi nhánh của Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa bàn được giao và thực hiện một số nhiệm vụ khác được Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước uỷ quyền.

 

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

về đầu trang