• Đường dây nóng: 0989 190 171

Thông tin nội bộ


Liên kết web














CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CỦA TRUNG TÂM TGPL NHÀ NƯỚC TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2022

Ngày đăng: 10/05/2022

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Đã từ lâu Người khuyết tật luôn được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước bằng nhiều chính sách, trong đó trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi bật, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đến Luật trợ giúp pháp lý 2017 đều quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong các đối tượng được Trợ giúp pháp lý, được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí, đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong các hoạt động xã hội, trong đó có việc tiếp cận dịch vụ pháp lý.

         Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật luôn được tỉnh ta quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng giúp người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Hàng năm, Trung tâm giúp Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) đã chủ trì thực hiện và đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ - CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Quyết định số 1355/QĐ - TTg ngày 12/9/2017 của Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật trợ giúp pháp lý; Thực hiện Quyết định số 09/QĐ - BTP ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022; Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 439/ QĐ - UBND ngày 17/02/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Ảnh: Truyền thông về TGPL cho đối tượng là trẻ em khuyết tật năm 2022

Ảnh: Truyền thông về TGPL cho đối tượng trẻ em khuyết tật năm 2022

          Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã được thực hiện thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về trợ giúp pháp lý... các hoạt động được lồng ghép nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật. Năm 2021 Trung tâm đã thụ lý và thực hiện TGPL cho 21 trường hợp là người khuyết tật,Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện TGPL cho 22 trường hợp là người khuyết tật.

          Ða phần người khuyết tật đi lại khó khăn nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý đều tận tâm, chịu khó xuống địa bàn cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà người khuyết tật vướng mắc để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho họ. Các vụ việc tham gia đều thành công, hiệu quả, đạt chất lượng tốt và người được trợ giúp pháp lý đều hài lòng với kết quả giải quyết vụ việc.

          Để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước luôn chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, UBND cấp xã bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.

          Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cũng chú trọng thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật thông qua truyền thông trực tiếp tại cơ sở, biên soạn tài liệu pháp luật, tờ gấp pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Cụ thể để hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên phối hợp với Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật huyện Tiên Lữ (thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã mở 2 cuộc hội nghị truyền thông trợ giúp pháp lý cho các đối tượng khuyết tật là học viên trong trường vào ngày 18/4/2022 và ngày 29/4/2022 đã thu hút được 140 học viên trong trường và 30 phụ huynh tham dự cuộc truyền thông này.Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã in trên 10.000 tài liệu truyền thông về trợ giúp pháp lý.

          Mặc dù vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Người khuyết tật là những người có khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần nên thường mặc cảm, tự ti, có sự hạn chế về trình độ nên họ chưa mạnh dạn trong việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Ðối với những người khuyết tật về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhưng người khuyết tật về tinh thần thì phải thông qua người thân nên đôi khi khó xác định có phải nguyện vọng của người khuyết tật hay không. Mong rằng cộng đồng, xã hội cần quan tâm, sẻ chia nhiều hơn nữa với các đối tượng này. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức để người khuyết tật nói chung và những đối tượng được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, để họ hiểu về hoạt động trợ giúp pháp lý, xóa bỏ đi rào cản, sự tự ti của người khuyệt tật. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật; tăng cường công tác phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

                                                                                                                                                                                         Huyền Trang

 

 

 

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

về đầu trang